BỘ MÔN ĐẦU MÁY TOA XE

 
1. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA BỘ MÔN ĐẦU MÁY - TOA XE
Bộ môn Đầu máy-Toa xe có truyền thống 60 năm trong tiến trình xây dựng và phát triển của Nhà trường, là đơn vị duy nhất của Trường Giao thông Vận tải và giữ vị trí độc tôn trong cả nước trong lĩnh vực đào tạo kỹ sư chuyên ngành Đầu máy-Toa xe.
Chức năng, nhiệm vụ hiện nay của Bộ môn là:
- Đào tạo đại học 04 chuyên ngành: Đầu máy, Toa xe, Đầu máy - Toa xe và Tầu điện-Metro.
- Đào tạo sau đại học (Thạc sỹ và Tiến sỹ) 02 chuyên ngành: Kỹ thuật đầu máy, toa xe và Khai thác, bảo trì đầu máy xe lửa, toa xe.
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phục vụ sản suất và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học 
 
2. LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA BỘ MÔN ĐẦU MÁY - TOA XE
Ngày 24 tháng 3 năm 1962, Trường Đại học Giao thông Vận tải được thành lập theo Quyết định số 42/CP của Thủ tường Chính phủ. 
Trước đó, tháng 12 năm 1960, Khoá 1 của Trường Đại học Giao thông Vận tải đã chính thức được khai giảng với 117 sinh viên là các cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật trung cấp của ngành về học chuyển cấp các ngành Cầu, Đường sắt, Đường bộ, Bưu điện, Quản lý Công trình, Quản lý Cơ khí. 
Thời  gian  này  Nhà  trường  tiếp nhận và trực tiếp phụ trách lớp "Mùng sáu tháng Giêng",  lớp  Tại  chức  ban đêm đầu tiên khai giảng ngày 06-01-1961 do Tổng cục Đường sắt tổ chức, gồm 35 cán bộ kỹ thuật về đầu máy hơi  nước  và  toa  xe  theo  học  ngành Đầu máy-Toa xe (lúc này còn chung một ngành). Đây là thời điểm lịch sử đáng ghi nhớ về quá trình đào tạo kỹ sư  chuyên  ngành  Đầu  máy-Toa  xe sau này.
Cũng từ năm 1960 đó được coi là năm ra đời của chuyên ngành Đầu máy-Toa xe và Bộ môn Đầu máy-Toa xe.
Những người thầy đầu tiên đặt nền tảng cho Bộ môn Đầu máy-Toa xe là: thầy Nguyễn Lâm Hoè, Khuất Tất Nhưỡng, Hàn Mạnh Kỳ, Nguyễn Xuân Liên.
Bộ môn Đầu máy-Toa xe tồn tại từ năm 1960 đến năm 1969.
Bộ môn Đầu máy-Toa xe được tách ra thành 2 Bộ môn Đầu máy và Bộ môn Toa xe vào năm 1969.
Từ  năm  1988 hai  Bộ môn  Đầu  máy  và  Toa xe  sáp nhập  thành  Bộ  môn  Đầu máy-Toa xe cho đến nay
Cho đến nay Bộ môn Đầu máy - Toa xe đã từng có: 02 Tiến sỹ Khoa học (các thầy  Lã  Ngọc  Khuê,  Lại  Ngọc  Đường),  14  Tiến  sỹ  (các  thầy  Dương  Hồng  Thái, Nguyễn Hữu Dũng, Nguyễn Văn Chuyên, Trương Duy Phúc, Đỗ Đức Tuấn, Lê Văn Doanh,  Lê  Văn  Học,  Vũ  Duy  Lộc,  Đỗ  Việt  Dũng, Phạm Lê Tiến, Mai Văn Thắm, Cô Vũ Hoài Thu, Phạm Văn Tiến, Tào Văn Chiến);  02  Giáo  sư  (các  thầy  Lã  Ngọc Khuê, Đỗ Đức Tuấn), 05 Phó Giáo sư (các thầy Lê Văn Doanh, Lê Văn Học, Vũ Duy Lộc, Nguyễn Văn Chuyên, Đỗ Việt Dũng), 01 nhà giáo nhân dân (thầy Đỗ Đức Tuấn), 05  Nhà giáo ưu  tú  (các thầy Lê Văn Doanh,  Nguyễn  Văn Chuyên,  Lê Văn Học, Vũ Duy Lộc, Đỗ Việt Dũng). Có 5 thầy giáo được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (Lê Văn Học, Lê Văn Doanh, Đỗ Đức Tuấn, Vũ Duy Lộc, Đỗ Việt Dũng). Hiện nay, Bộ môn Đầu máy Toa xe có 12 giảng viên, trong đó có 01
Giáo sư, 02 Phó Giáo sư, 05 Tiến sỹ, 04 Thạc sỹ).
 
3. CÔNG  TÁC  XÂY  DỰNG,  ĐỔI  MỚI  CHƯƠNG  TRÌNH  ĐÀO  TẠO  VÀ  XÂY  DỰNG  CHUYÊN NGÀNH MỚI
ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC
Trong quá trình xây dựng và phát triển, chương trình đào tạo của Nhà trường nói chung, trong đó có chương trình đào tạo chuyên ngành Đầu máy-Toa xe nói riêng đã biến động qua từng giai đoạn.
- Giai đoạn 1: Từ 1962 đến năm 1988, chương trình đào tạo gồm hai chuyên ngành là Đầu máy và Toa xe.
Khi còn là hai Bộ môn riêng biệt, các Bộ môn Đầu máy và Toa xe đã biên soạn giáo trình, bài giảng và giảng dạy theo hướng chuyên sâu cho từng chuyên ngành của mình.
- Giai đoạn 2: Vào những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đào tạo theo ngành rộng, khi đó Nhà trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo cho tất cả các ngành. Trong những năm 80-90, đặc biệt khi hai Bộ môn Đầu máy  và  Toa  xe hợp nhất thành Bộ môn Đầu  máy-Toa xe, tập  thể  Bộ môn đã  xây dựng lại chương trình đào tạo theo ngành rộng: chuyên ngành Đầu máy-Toa xe, đồng thời vẫn duy trì và xây dựng lại chương trình cho hai chuyên ngành hẹp truyền thống là  Đầu  máy  và  Toa  xe.  Trong  khoảng  thời  gian  này  Bộ  môn  phụ  trách  3  chuyên ngành là Đầu máy, Toa xe và Đầu máy-Toa xe.
- Giai đoạn 3: Đầu năm 2000, Bộ môn đã xây dựng thêm chuyên ngành Tầu điện-Metro và đã được Nhà trường phê duyệt, nhằm đi trước đón đầu cho các chuyên ngành học mới như chuyên ngành Metro, chuyên ngành Sức kéo điện. Trong tình hình đó Bộ môn đã phải viết lại tất cả hơn 20 giáo trình mới để phục
vụ  đào  tạo  cho  ngành  Đầu  máy-Toa  xe  và  sau  đó  là  viết  các  bài  giảng  mới  cho chuyên ngành Tầu điện-Metro. Đây là một công việc rất khó khăn, song do tinh thần trách nhiệm và lòng say mê nghề nghiệp, các thầy giáo trong Bộ môn đã xây dựng được bộ giáo trình hoàn chỉnh.
- Giai đoạn 4: Từ năm học 1999-2010, Nhà trường đã xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo đại học để chuyển đổi từ hình thức đào tạo theo niên chế sang hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Cùng với quá trình đổi mới công tác đào tạo của Nhà trường, Bộ môn Đầu máy-Toa xe cũng đã xây dựng lại toàn bộ chương trình đào tạo đại học theo hệ thống tín chỉ cho 04 chuyên ngành “Đầu máy”, “Đầu máy-Toa xe”, “Toa xe” và Tầu  điện-Metro”,  theo  đó  thay  vì  đào  tạo  đại  học  5  năm  như  trước  đây,  hiện  nay chương trình đào tạo của ngành Cơ khí nói chung và các chuyên ngành của Bộ môn Đầu máy-Toa xe rút xuống còn 4,5 năm.
Bộ môn đã hoàn thành việc xây dựng chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ cho 04 chuyên ngành thuộc Bộ môn quản lý và hoàn thành cơ bản 69 đề cương chi tiết cho các môn học chuyên môn của 04 chuyên ngành, 08 bài giảng và giảng dạy các môn học chuyên môn mới cho chuyên ngành “Tầu điện-Metro”.
 
ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
Đồng thời với chương trình đào tạo đại học, chương trình đào tạo Cao học cũng đã được xây dựng lại.
Trước năm 1995, khi còn đào tạo đại học theo ngành hẹp, Bộ môn Đầu máy-Toa xe phụ trách 02 chuyên ngành đào tạo Sau đại học (Thạc sỹ ) riêng biệt cho kỹ sư đầu máy và kỹ sư toa xe, đó là các chuyên ngành “Đầu máy và sức kéo đầu máy” và “Chế tạo toa xe và ngành toa xe”. Thời gian đào tạo theo chương trình này là 2 năm.
Sau khi chuyển sang đào tạo theo ngành rộng, chương trình đào tạo Thạc sỹ đã được xây dựng lại. Đến nay Bộ môn phụ trách 02 chuyên ngành, đó là “Kỹ thuật đầu máy-toa xe” (thiên về thiết kế, chế tạo) và “Khai thác, bảo trì đầu máy xe lửa, toa xe” (thiên về khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa). Chương trình đào tạo Cao học cũng đã được xây dựng theo hệ thống tín chỉ và thời gian đào tạo theo chương trình này rút xuống còn 1,5 năm.
 
4. QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO CÁN BỘ KỸ THUẬT CHUYÊN NGÀNH ĐẦU MÁY-TOA XE
Như đã nói ở trên, tháng 12 năm 1960, Khoá 1 của Trường Đại học Giao thông Vận tải đã chính thức được khai giảng với 117 sinh viên là các cán bộ lãnh đạo, cán bộ  kỹ  thuật  trung cấp  của  ngành  về  học  chuyển  cấp  các  ngành  Cầu,  Đường  sắt, Đường bộ, Bưu điện, Quản lý Công trình, Quản lý Cơ khí.
Theo thông tin  lưu  trữ được,  Lớp  “Mùng  sáu tháng  Giêng” gồm  35 cán bộ  kỹ thuật theo học các ngành: Đầu máy hơi nước và Toa xe, tốt nghiệp với 23 kỹ sư đầu máy hơi nước, 11 kỹ sư toa xe. 
Theo hồ sơ  Sổ cấp Bằng tốt nghiệp của Trường Đại học Giao thông Vận tải, lớp Quản lý Cơ khí Khoá 1 (đồng thời cũng là Lớp Đầu máy-Toa xe Khoá 1) được cấp Bằng theo Quyết định số 93/QĐ/CB ngày 14 tháng 01 năm 1963. Số luợng sinh viên lớp Đầu máy-Toa xe khi đó làm đề tài tốt nghiệp về Đầu máy-Toa xe là là 10 người.
Năm 1962 khoá 3 được tuyển sinh. Đây là khoá đại học chính quy đầu tiên được đào tạo theo hai chuyên ngành Đầu máy (hơi nước) và Toa xe, bao gồm lớp ĐM K3
và lớp TX K3.
Từ  năm 1962 đến năm 1993 đào tạo hệ chính quy và tại chức theo hai chuyên ngành Đầu máy và Toa xe.
Chuyên ngành đầu máy đào tạo kỹ sư đầu máy hơi nước từ khoá 3 (1962) đến khoá 6 (1965). Từ khoá 7 (năm 1966) bắt đầu đào tạo sư đầu máy diezel. Đây là khoá đầu tiên của chuyên ngành đầu máy diezel. Cùng thời kỳ này nhà trường đã mở các khoá đào tạo kỹ sư chuyển hoá từ chuyên ngành đầu máy hơi nước sang đầu máy diezel, trong đó phải kể đến các khoá đầu máy hệ tại chức như ĐM K7, ĐM K8, ĐM K9. chuyên ngành Đầu máy và Toa xe.
Trong khoảng thời gian 8 năm, từ 1966 đến 1993 không có sinh viên chuyên ngành đầu máy-toa xe được đào tạo.
Từ năm 1994 (bắt đầu từ K35) đào tạo theo chuyên ngành Đầu máy-Toa xe.
Năm 2005 bắt đầu đào tạo khoá đầu tiên chuyên ngành tầu điện-Metro (lớp TM K46), đã tố nghiệp năm 2010.
Từ năm 1960 đến nay, cùng với Nhà trường, Bộ môn Đầu máy-Toa xe đã đào tạo được 33 khoá hệ chính quy gồm 50 lớp (trong đó có 18 lớp Đầu máy, 19 lớp Toa xe, 10   lớp Đầu máy-Toa xe và 01 lớp Tầu điện-Metro); 01 khoá (01 lớp) Chuyên tu Đầu máy cấp bằng chính quy; 19 khoá (25 lớp) hệ Tại chức, trong đó có 08 lớp Đầu máy, 04 lớp Toa xe và 12 lớp Đầu máy-Toa xe.
Tổng số có hơn 2000 kỹ sư các hệ đã tốt nghiệp ra trường.
Các sinh viên sau khi ra trường đã phát huy tốt vai trò của mình trong mọi lĩnh vực. Nhiều người đã trưởng thành và giữ các vị trí công tác quan trọng trong công tác chuyên môn như Hiệu trưởng trường Đại học, Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt, Tổng giám đốc các Công ty, Giám đốc các xí nghiệp trong ngành đường sắt và trong các lĩnh vực khác ngoài ngành đường sắt. Nhiều kỹ sư đã phấn đấu học tập để trở thành Tiến sỹ, Thạc sỹ.
ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
ĐÀO TẠO THẠC SỸ
Bộ môn được giao nhiệm vụ đào tạo Sau đại học từ năm 1993.
Đến nay đã đào tạo được hơn 20 khoá cao học trong đó có hơn 100 Thạc sỹ đã tốt nghiệp.
ĐÀO TẠO TIẾN SỸ
Đã đào tạo được 9 Tiến sỹ trong đó gồm: 4 Tiến sỹ ngành Toa xe và 3 Tiến sỹ ngành Đầu máy:
1.  Vũ  Duy  Lộc  (1995);  2.  Phạm  Trường  Thắng  (1997);  3.  Trần  Hồng  Mạnh (1997); 4. Nguyễn Đức Minh (1997); 5. Nguyễn Anh Tuấn (2001); 6. Đỗ Việt Dũng (2003); 7. Đồng Xuân Thành (2005), TS. Phạm Lê Tiến (2012), TS. Lê Lăng Vân (2013).
Hiện đang tiếp tục đào tạo 2 Nghiên cứu sinh:
1. NCS. Võ Trọng Cang; 2. NCS. Vũ Văn Hiệp
5. CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ PHỤC VỤ SẢN XUẤT CỦA GIẢNG VIÊN
Bộ môn Đầu máy-Toa xe là Bộ môn có truyền thống xuất sắc trong hoạt động NCKH  của  Trường  Đại  học  Giao  thông  Vận  tải.  Bộ  môn  luôn  xác  định  công  tác nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cán bộ giảng viên trong Bộ môn. Toàn bộ các giảng viên của Bộ môn đều có chủ trì, tham gia các đề tài NCKH các cấp hoặc hướng dẫn sinh viên NCKH. Nhiều thầy cô giáo hiện đang thực hiện các đề tài nghiên cứu chuyển giao công nghệ phối hợp với các cơ sở sản xuất. Hoàn thành tốt nhiệm vụ NCKH-chuyển giao công nghệ sẽ tạo điều kiện cho giảng viên hoàn thành tốt công tác giảng dạy, gắn kết giữa nhà trường với sản xuất, giữa cán bộ giảng viên với cán bộ kỹ thuật tại hiện trường, giữa lý luận và thực tiễn, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu của hiện trường.
Ngoài việc hoàn thành tốt các đề tài NCKH các cấp, đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và chuyển giao công nghệ, được các cơ sở trong và ngoài ngành Đường sắt đánh giá cao và được ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Ngược  dòng  thời  gian,  trong  thời  kỳ  chống  Mỹ  cứu  nước,  Bộ  môn  Toa  xe  có những công trình tiêu biểu:
-  Tham  gia  thiết  kế  chế  tạo  cam-nhông  ray,  xe  goòng  bàn  10  tấn  chạy  trên tuyến đường sắt Khu 4; thiết kế máy kéo chạy bánh sắt phục vụ thi công trên một số công trường đặc biệt; thiết kế chế tạo toa xe vượt sông v.v...
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều thầy giáo của Bộ môn đã tham gia vào công trình khôi phục đường sắt Thống Nhất năm 1976.
Trong những năm 76-78, thưc hiện chỉ thị 222 TTg của Thủ tướng Chính Phủ về kết hợp giữa học và hành, Bộ môn Đầu máy lúc đó cùng với nòng cốt là lớp ĐM K14 trong quá trình thực tập tại Đoạn Đầu máy Thanh Hoá, được sự hỗ trợ của Lãnh đạo Đoạn, đã thu thập và bảo dưỡng lại các thiết bị thanh lý để xây dựng cho Bộ môn một phòng Mô hình đầu máy, gồm các thiết bị như động cơ diezel, hệ thống truyền động thuỷ lực và bộ phận chạy (giá chuyển hướng) của đầu máy TY5 làm mô hình học tập cho sinh viên các khoá sau này.
Trong  những  năm  1978-1982  Bộ  môn  Đầu  máy  với  sự  chủ  trì  của  Thầy  Lại Ngọc Đường đã tiến hành khảo sát và xây dựng định mức tiêu hao nhiên liệu cho đầu máy diezel chạy trên tuyến đường sắt Thống Nhất. Tham gia vào công trình này phải kể đến và ghi nhớ sự đóng góp của sinh viên các lớp ĐMK17, K18 và K19.
Những năm tiếp đó, các thầy giáo Bộ môn Đầu máy và Bộ môn Toa xe đã có những công trình đáng ghi nhớ như :
- Thiết kế và xây dựng lò đúc các chi tiết đầu máy (guốc hãm) ở Xí nghiệp Đầu máy Vinh;
- Thiết kế và lắp đặt phanh thuỷ lực thử nghiệm công suất động cơ diezel tại Xí nghiệp đầu máy Vinh, Xí nghiệp đầu máy Hà Lào...
- Thiết kế cải tạo và lắp đặt cân toa xe chở thạch cao tại Đông Hà;
- Lắp các trạm thử hãm đoàn tàu ở Vinh, Giáp Bát-Hà nội, Yên Viên-Lạng Sơn phục vụ cho an toàn đường sắt v.v...
Ngoài những công trình phục vụ sản xuất nói trên, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, các thầy giáo trong Bộ môn đã chủ trì 05 đề tài NCKH cấp Nhà nước, chủ trì trên 40 đề tài NCKH và Dự án cấp Bộ, hàng chục đề tài NCKH cấp Trường; tham gia nhiều đề tài NCKH cấp Nhà nước và cấp Bộ; chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản suất (NCKH-LĐSX) và nghiên cứu khoa học-chuyển giao công nghệ (NCKH-CGCC). Các đề tài này chủ yếu được liên kết và ứng dụng trong các đơn vị của ngành đường sắt Việt Nam, trong các đơn vị ngoài ngành đường sắt, trong đó có Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (các Công ty Tuyển than Cửa ông, Hòn Gai, Vàng Danh, Khu mỏ Quảng Ninh), các đơn vị thuộc Công ty Apatit Việt Nam và một số đơn vị khác.
Các  giảng  viên  của  Bộ  môn  đã  viết  được  hàng  trăm  bài  báo  khoa  học  đăng trong Tạp chí Khoa học của Trường Đại học Giao thông Vận tải, trong các Tạp chí chuyên ngành cấp Bộ ở trong nước và một số Tạp chí ở nước ngoài
Các giảng viên của Bộ môn đã có nhiều báo cáo được trình bày tại các Hội nghị khoa học cấp Quốc gia như các Hội nghị Cơ học toàn quốc, các Hội nghị khoa học của ngành Giao thông Vận tải, một số Hội nghị Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, công tác nghiên cứu khoa học của Bộ môn ngày càng được đẩy mạnh. Ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường, cấp Bộ, các giảng viên còn tham gia nhiều đề tài NCKH phục vụ sản xuất và chuyển giao công nghệ.
 
CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA SINH VIÊN
Bộ  môn  đã  tạo  được  phong  trào  NCKH  khá  sôi  nổi  trong  sinh  viên  chuyên ngành Đầu máy toa xe và Tầu điện- Metro. Tỷ lệ giảng viên tham gia hướng dẫn sinh viên NCKH luôn chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó có nhiều giảng viên trẻ.
Trong nhiều năm qua đã có hàng trăm sinh viên chuyên ngành đầu máy-toa xe tham gia NCKH, với hàng chục đề tài. Nhiều đề tài của sinh viên đạt giải cấp Trường,
có 04 đề tài đạt giải cấp Bộ, trong đó có 02 đề tài đạt Giải Ba cấp Bộ và Giải Ba giải thưởng VIFOTEC.
1. Đề tài “Xây dựng chương trình tính toán nhu cầu sức kéo cho ngành đường
sắt Việt Nam đến năm 2020 trên cơ sở số liệu dự báo về khối lượng vận tải”. Nhóm sinh  viên  Trương  Vũ  Tuân,  Võ  Trung  Dũng,  Lớp  ĐM-TX  K39  (Người  hướng  dẫn: GS.TS. Đỗ Đức Tuấn) đạt Giải Ba của Bộ GDĐT và Giải Ba Giải thưởng VIFOTEC năm 2001.
2. Đề tài ô Xây dựng chương trình tính toán sức kéo đầu máy diezel cho ngành ĐSVN”.  Nhóm  sinh  viên Võ  Trung  Dũng,  Nguyễn  Minh  Đức  Tuấn,  Lê  Huỳnh  Bửu
Trân, Lớp ĐM-TX K39 (Người hướng dẫn: GS.TS. Đỗ Đức Tuấn) đạt Giải Ba của Bộ GDĐT và Giải Ba Giải thưởng VIFOTEC năm 2002.
 
Bộ môn Đầu máy toa xe

Trưởng Bộ môn:  TS. Mai Văn Thắm

 Địa chỉ: P605 Nhà A6, Trường Đại học Giao thông Vận tải, số 3 Cầu Giấy, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại: 0243.7664042

Email: daumaytoaxe@utc.edu.vn

Trang web: http://daumaytoaxe.utc.edu.vn

Trang Facebook: https://www.facebook.com/bmdmtx/